(Chương sách bị cắt phút chót của #BéThuốc)
Có không ít người từng hỏi tôi như thế. Mỗi lần như vậy, tôi thật sự đắn đo, suy nghĩ lâu lắm. Ba Má tôi không phải giáo sư, tiến sỹ, không du học, không có vốn ngoại ngữ để tiếp cận nhiều kiến thức của nhân loại, cũng chưa từng dự khóa học làm bố mẹ nào cả.
Thế nhưng, nghĩ càng lâu, tôi lại vỡ ra bao la kho báu Ba Má đã âm thầm trao tặng cho tôi suốt tuổi thơ và quãng đời đi học. Tất cả cứ như những giọt mưa nhỏ nhắn nhưng tự nhiên, mát lành rơi xuống, bền bỉ ngày này qua tháng nọ. Và tôi, như một cái cây non, cứ thế tự nhiên và hạnh phúc, bình yên lớn lên trong một mảnh đất giáo dục đúng nghĩa và thực chất.
– – – – –
Một tiểu sử học hành LÊN BỜ XUỐNG RUỘNG
Khi ai đó nhìn vào con đường học tập của tôi, những thành tích tôi đạt được, họ thường nghĩ rằng tôi thông minh lắm, IQ chắc cũng phải tầm hơn 150. Thế nhưng, tôi từng làm mấy chục bài kiểm tra IQ, chưa bài nào đạt trên 120 điểm cả. Còn dưới đây là vài điểm “sáng” trong cái sự học “thâm cung bí sử” của tôi:
– Thời mẫu giáo, học được vài tháng, tôi “trốn học”, rồi nghỉ luôn ở nhà.
– Vào lớp Một, những bài kiểm tra đầu năm, tôi thường ẵm con 4, con 5.
– Tôi phát âm Tiếng Việt ngọng cho đến gần hết lớp Ba.
– Cả thời tiểu học tôi không có một cái giải cấp trường nào, đừng nói chi là thành phố, tỉnh, hay quốc gia.
– Thi vào lớp Sáu, điểm tôi chỉ ngót nghét vừa đủ để đỗ vào trường chuyên, chắc cũng gần bét bảng. Rồi mang tiếng là đỗ Chuyên Anh, nhưng lúc thi vào trường, tôi một chữ tiếng Anh bẻ đôi còn không biết.
Đó, cái sự học hơn nửa thời phổ thông của tôi tóm nhanh là thế. Chỉ đến tầm lớp Tám, tôi mới thật sự bừng tỉnh sau đợt “ngủ đông” dưỡng sức thật dài. Nếu ai đó hỏi tôi rằng, liệu thằng bé cấp một, cấp hai ngày xưa có bao giờ nghĩ mai kia thành tích học tập sẽ thế này thế nọ hay không, tôi dám khẳng định 100% là không.
– – – – –
Những chữ “TỰ” thần thánh
Ba Má tôi là giáo viên ở một tỉnh lẻ. Ba Má đắng lòng, quyết định dứt áo nghỉ dạy từ lúc tôi còn đi nhà trẻ. Ba Má ở nhà mở cửa tiệm bán đồ điện, để có đủ kinh tế lo cho ba thằng con đi học, và có thời gian trông con. Nhưng không vì thế, sự học của Ba Má ngừng.
Từ bé đến lớn, ngày nào tôi cũng như một khán giả hạng A, được ngồi dãy ghế đầu để ngắm nhìn cách Ba Má tự học. Ba đọc báo mỗi ngày, báo gì cũng đọc, nên chuyện gì Ba cũng biết và có thể ngồi hàn huyên với bất cứ ai mà không hề thấy Ba yếu lý, đuối ý. Má thì thích ghi chép, đọc báo chí hay xem truyền hình có gì hay, Má đều cẩn thận chép lại trong những cuốn sổ tay mỗi ngày một dày cộm. Tôi tranh thủ đọc ké, đọc “trộm” suốt.
Lớn lên trong cái không khí ấy, tôi cảm như việc mở rộng kiến thức là một điều nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở, một món ăn tinh thần. Với tôi, giờ chơi nhảy lò co, bắn bi, u quạ, năm mười, thả thuyền trời mưa, đá phượng, tạt dép, tạt lon với bạn bè trong xóm cũng “ghiền” lắm, rôm rả tiếng cười. Nhưng tất cả đều không bình yên và hào hứng bằng những giờ được đọc, ghi chép mặc dù chẳng có một thầy cô nào giao bài hay chấm điểm cho tôi cả.
Có lẽ vậy, những gì tôi bền bỉ, lẳng lặng tích gom, học chỉ vì học trong suốt quãng đời tuổi thơ như một giấc ngủ đông thật dài. Để khi tỉnh giấc, hóa ra tôi chẳng có nhiều giải thưởng như bạn bè, nhưng tôi có ý thức đào sâu mỗi vấn đề, khả năng kết nối và liên tưởng ý từ nhiều nguồn học liệu nhanh hơn.
Từ cái tự học, mọi thứ cũng dần chuyển mình, hóa thành cái tính tự lập, ăn sâu vào con người tôi. Để sau này, dù đi học ở đâu, gặp khó khăn gì, mồ hôi và nước mắt ra sao, tôi cũng quen tự mình tháo gỡ trước khi nhờ vả bất cứ ai. Với tôi, cái tự lập, tự nghĩ, tự gỡ rối ấy nó là một chuyện bình thường như đi bộ mỗi ngày.
– – – – –
LÙI một bước, trời CAO bể RỘNG
Nhà tôi là một “ổ” mê mẩn Kim Dung. Mỗi chương sách, phim đều ẩn chứa những câu nói đầy triết học, cứ thế gieo vào lòng tôi những mầm suy nghĩ vụn vặt. Nhưng rồi, những suy nghĩ ấy va đập với cuộc sống, lại được Ba Má uốn nắn, bổi bổ nên dần dà, tất cả trở thành cái sắc màu trong tính cách của tôi.
“Lùi một bước trời cao bể rộng” – nhiều cao thủ dưới ngòi bút của Kim Dung hay “bắn” câu ấy. Và nó giống y chang với một câu mà Ba Má dạy tôi từ bé: “Học như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt lùi. Dù con nghĩ mình biết có bao nhiêu đi nữa, thì tất cả vẫn mãi là một hạt nước trong bể”.
Chính vì vậy, dù tôi có đứng nhất lớp hay sau này đứng nhất trường, nhất tỉnh rồi cả chinh phục kỳ thi quốc gia hay bước ra biển lớn, thì Ba Má vẫn không bao giờ tung hô tôi là thiên tài, là giỏi nhất, là siêu sao. Với Ba Má, tôi mãi là một đứa con bé bỏng, một đứa học trò say sưa tri thức.
Năm lớp Ba, một lần tôi kiêu căng phát ngôn trẻ trâu: “Con học sinh giỏi rồi, cần gì học nữa”, tay tôi chỉ vào những bằng khen, bảng danh dự dưới lớp kính bàn. Ba tức giận xé hết và vứt vào thùng rác: “Đó, giờ tất cả chỉ là những tờ giấy vô nghĩa thôi”. Má không quên “phụ họa” thêm: “Con cứ học. Dù sau này Ba Má có đi ăn xin để cho con đi học, thì Ba Má cũng sẽ làm”.
Năm lớp Năm, tôi đi học thêm một cô giáo bạn Má để cô dạy cho tôi làm Văn. Trong một lần đùa giỡn, tôi lỡ miệng nói lời khinh bạn học kém. Cô giáo đuổi học tôi về nhà. Má dắt tôi lên nhà cô, xin lỗi cô và xin cho tôi học tiếp, bắt tôi hứa với cô là từ nay về sau, tôi sẽ không bao giờ khinh bạn nữa. Tôi hứa, và tôi đã giữ lời. Để rồi từ đó về sau, chưa một giáo viên nào cần phải chấn chỉnh thái độ của tôi trong chuyện học hành hay khinh thường bạn bè nữa.
“Con nhớ nhé Ri. Người ta có thể coi trọng học lực và thành tích của con, nhưng không có nhân cách và sự khiêm tốn, rồi con cũng sẽ thụt lùi. Và một lúc nào đó, người ta sẽ chẳng tôn trọng con nữa đâu”.
Lời dạy của Má như một cái đinh, ghim chặt trong đầu tôi đến tận giờ. Và tôi hiểu, cứ lâng lâng đi trên chín tầng mây mà chính bản thân không nhận ra mây rồi cũng sẽ mỏng tan, thì có lúc, mình cũng sẽ trượt chân, rơi tự do.
Ở đời, thi thoảng cứ lùi một bước, ta sẽ thấy bầu trời cao rộng hơn trước. Hy vọng và đổi thay tích cực đến từ đó.
* * * * *
Gieo TRẮC ẨN, gặt YÊU THƯƠNG
Những ngày sống với Ba Má cũng có vô vàn thời khắc bị Ba Má la, đánh đòn, phạt úp mặt vào tường. Mỗi lần thế, tôi cũng hay hờn trách, giận Ba Má. Nhưng mỗi lần đánh hoặc phạt tôi, thì Ba Má lúc nào cũng “nhai” lại cái câu: “Đánh con thì con đau một, nhưng Ba Má đau mười”.
Cái câu nói ấy, lúc đầu tôi ngu si chẳng hiểu đâu, nhưng càng lớn lên, tôi mới càng tự hiểu. Qua bao tất cả, chẳng có ngày nào mà tôi không nhận được yêu thương của Ba Má. Ba dạy tôi đóng vở bao tập, Má khâu quần vá áo, Ba sửa món đồ chơi tôi làm hư, Má đi chợ mua cho tôi cái bánh bò bánh ít tôi thích, Ba tập cho tôi đi xe đạp, Má dạy cho tôi chép bài hát,… Tất cả những điều ấy và trăm triệu thứ khác không bao giờ vắng bóng trong căn nhà nhỏ bé nhưng ngập tràn tiếng cười của tôi.
Yêu thương luôn hiện diện không chỉ với chúng tôi, mà với cả những người xung quanh, từ người hàng xóm bị ốm, đến người quen dưới quê mất con, đến anh chị em họ của tôi đi học thêm, cả người ăn xin ven đường,… Kèm theo những lần “mạnh thường quân” ấy, Ba Má lúc nào cũng “chêm dặm” thêm những câu nói mà nghe hoài, tôi cũng thuộc: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”, “Giúp người là giúp ta”, “Cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ”, “Thiện lai thiện báo, ác giả ác báo”,…
Những bài giảng diệu kỳ ấy chẳng bao giờ vắng bóng trong đôi mắt của tôi. Để rồi, tôi cứ thế lớn lên và thấm dần cái chất ẩn dưới những câu chữ ấy. Thế nên, giờ đây, tôi thường thấy khó chịu với những ích kỷ, nhỏ nhen, xấu bụng, hại người.
Giờ đây, mỗi ngày lên mạng là thấy bao nhiêu thứ xấu xa của con người cứ thế mà bùng nổ và bon chen: vợ chồng, người yêu đến lúc canh mặn cứ đem nhau lên mạng mà moi móc; bạn bè thân thiết ngày nào thì giờ đây chiến đấu khốc liệt, ném rác; những dòng status, comment của nhiều người học thức văng tục cứ xối xả trào ra mà vẫn được “triệu like”;… Và đó chính là cái xã hội mà chúng ta đang muốn kiến thiết cho lũ trẻ được “tắm” trong mỗi ngày?
Tiền bạc và danh vọng chưa chắc làm tâm ta ấm. Tâm ta ấm vì có ước mơ và hy vọng. Một đời người giỏi lắm là trăm năm. Tiền bạc rồi cũng thoáng qua, bao nhiêu mới là đủ? Nhưng tình người thì khác. Mỗi ngày cứ cho đi một ít, có khi ta sẽ nhận lại rất nhiều.
Cách duy nhất để thật sự sống trong thế giới này là làm những việc yêu thương và hy vọng điều tốt lành sẽ đến. Ba Má dạy tôi cứ gieo trắc ẩn, rồi sẽ có ngày yêu thương cứ tự nhiên nở hoa giữa đời để mình được bình yên gặt hái.
* * * * *
Có gì đáng giá hơn HẠNH PHÚC, AN YÊN?
Cuộc đời của Ba Má tôi có lắm phong ba bão táp. Dường như, chuyện gì Ba Má cũng “bị” đưa vào cuộc, như những con cờ sinh ra là đã phải lên bàn cờ. Có nhiều lúc, tôi thấy Má tức và khóc, đến mức tối về cứ trằn trọc khó ngủ. Còn Ba thì không được điềm tĩnh như Má, cứ la hét kình cãi với người ta, nhưng sau rồi cũng có lúc nước mắt chảy ngược vào trong, cũng đỏ hoen hai tròng.
Thế nhưng, qua mỗi câu chuyện, điều tôi lặng lẽ quan sát từ Ba Má chính là cái cách Ba Má từ từ buông xuôi và nhẹ nhàng cho qua mọi chuyện, để mọi thứ dơ bẩn theo dòng chảy thời gian cuốn ra tận bể. Như hiểu được cái tính hay để ý chuyện người lớn của tôi, có lần thì Ba, có lúc thì Má, thay nhau bảo tôi rằng: “Người ta giờ đây có thể không hiểu mình, nhưng cây ngay không sợ chết đứng. Chỉ cần mình chẳng làm gì sai đạo đức, sai pháp luật và trái với lòng mình, thì rồi thời gian cũng sẽ trả lời tất cả”.
Một thời gian sau, khi những người từng “gán” cho Ba Má những cái “tội danh” khó đỡ có chuyện đau buồn trong cuộc sống, Ba Má cũng chùn người. Trong đôi mắt thoáng buồn xa xăm, Ba Má cứ nhớ về những thời gian còn vui vẻ với những người đã từng thân thương ấy, chỉ trách cuộc đời quá dở hơi mà thôi.
Để rồi, sau tất cả, Ba Má vẫn luôn tìm về hạnh phúc bên những điều bình dị: sáng tắm biển, về nhà đọc sách báo, làm vườn, chiều tối tập thể dục, xem tivi, và chăm lo cho những bữa cơm bên gia đình ít khi vắng tiếng cười đùa.
Lớn lên trong cái cách Ba Má bình yên đi qua mọi sóng gió bão táp, và vẫn neo đậu hạnh phúc ở những thứ bình dị, giản đơn, tôi hiểu Ba Má cũng đã gieo vào lòng tôi một sự bình yên từ bé. Để mỗi lần chuyện gì xảy ra với chính mình, tôi cũng học cách theo gương Ba Má, cứ lấy giá trị và đạo đức để làm kim chỉ nam.
Chỉ cần mình không làm gì sai trái và hại người hại ta, thì cứ đường đường chính chính mà đi, không cần phải cúi đầu, mà cũng chẳng phải ngại ngùng. Tri thức cộng với giá trị, đó có lẽ là cái nguyên vật liệu bền vững và sâu sắc nhất làm nên “nước lèo chất” của mỗi người.
Trong bao năm nay, học vị tôi có cao, chức vụ tôi có to, kiến thức tôi có nhiều, nhưng tất cả những điều đó không làm mất đi cái neo quay về hạnh phúc từ trong tâm của tôi: những điều bình dị và trường tồn, chứ không phải một cuộc chạy đua vì danh vọng và quyền lực, vì tiền bạc và vì cái tôi cao ngất ngưỡng mỗi ngày che mặt mình.
* * * * *
Ba Má tôi có hoàn hảo không?
Tôi nghĩ là không, nếu chiếu theo nhiều thước đo người ta hay dùng cho từ “hoàn hảo”. Ba Má tôi ngày trước cũng chưa đọc được những nghiên cứu khoa học, tâm lý học, hay những số liệu, mô hình giáo dục tiên tiến, hay tiếp xúc bất cứ phần mềm công nghệ, trang mạng xã hội nào cả.
Thế thưng, thay vì ráng trở thành bố mẹ hoàn hảo, Ba Má tôi chỉ bền bỉ làm tốt những gì họ tin là có giá trị lâu dài cho tôi, để tôi là một người tốt và sống tốt. Giáo dục có lẽ là thế. Có những điều thuộc về bản chất, dù cho thời cuộc thay đổi, xã hội thay đổi, mô hình trường học hay chương trình học thay đổi, thì chúng cũng chẳng hề xê dịch, đổi thay.
Phần lớn những giá trị trong con người tôi chính là bản sao những giá trị của Ba Má. Ba Má cho tôi những gì Ba Má tin vào, những thứ Ba Má có trong con người của Ba Má. Thế nên, để trả lời câu hỏi “Ba Má đã nuôi dạy em thế nào?”, tôi sẽ trả lời bằng một cụm từ duy nhất:
LÀM GƯƠNG
Tg: Hiếu Nguyễn